Các loại báo cáo khi lập dự án đầu tư xây dựng

Khi lập dự án đầu tư xây dựng ta có các loại báo cáo sau :

1. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng là tài liệu hình bày các nội dung nghiên cứu sơ bộ về sự cần thiết, tính khả thi và tính hiệu quả của việc đầu tư xây dựng, làm cơ sở quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng.

Theo Điều 52 Luật xây dựng [1] được sửa đổi bổ sung tại khoản 10 Điều 1 của Luật Xây dựng sửa đổi 2020 [2], các dự án phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng:

  • Dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A sử dụng vốn đầu tư công;
  • Dự án PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư;
  • Dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư.

Nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng được quy định trong Điều 53 Luật xây dựng và Khoản 11 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020:

  • Sự cần thiết đầu tư và các điều kiện để thực hiện đầu tư xây dựng.
  • Dự kiến mục tiêu, quy mô, địa điểm và hình thức đầu tư xây dựng.
  • Nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên.
  • Phương án thiết kế sơ bộ về xây dựng, thuyết minh, công nghệ, kỹ thuật và thiết bị phù hợp.
  • Dự kiến thời gian thực hiện dự án.
  • Sơ bộ tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn; khả năng hoàn vốn, trả nợ vốn vay (nếu có); xác định sơ bộ hiệu quả kinh tế – xã hội và đánh giá tác động của dự án.
  • Đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và nội dung khác theo quy định của pháp luật có liên quan
2. Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng

Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng là tài liệu trình bày các nội dung nghiên cứu về sự cần thiết, mức độ khả thi và hiệu quả của việc đầu tư xây dựng theo phương án thiết kế cơ sở được lựa chọn, làm cơ sở xem xét, quyết định đầu tư xây dựng.

Các dự án phải đều phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, ngoại trừ dự án đầu tư xây dựng chỉ cần lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng; hoặc nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân khi xây dựng không phải lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.

Nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng:

a) Thiết kế cơ sở được lập để đạt được mục tiêu của dự án, phù hợp với công trình xây dựng thuộc dự án, bảo đảm sự đồng bộ giữa các công trình khi đưa vào khai thác, sử dụng. Thiết kế cơ sở gồm thuyết minh và các bản vẽ thể hiện các nội dung sau:1. Thiết kế cơ sở được lập để đạt được mục tiêu của dự án, phù hợp với công trình xây dựng thuộc dự án, bảo đảm sự đồng bộ giữa các công trình khi đưa vào khai thác, sử dụng. Thiết kế cơ sở gồm thuyết minh và các bản vẽ thể hiện các nội dung sau:

  • Vị trí xây dựng, hướng tuyến công trình, danh mục và quy mô, loại, cấp công trình thuộc tổng mặt bằng xây dựng;
  • Phương án công nghệ, kỹ thuật và thiết bị được lựa chọn (nếu có);
  • Giải pháp về kiến trúc, mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng công trình, các kích thước, kết cấu chính của công trình xây dựng;
  • Giải pháp về xây dựng, vật liệu chủ yếu được sử dụng, ước tính chi phí xây dựng cho từng công trình;
  • Phương án kết nối hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài công trình, giải pháp phòng, chống cháy, nổ;
  • Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng và kết quả khảo sát xây dựng để lập thiết kế cơ sở.

b) Các nội dung khác của Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng gồm:

  • Sự cần thiết và chủ trương đầu tư, mục tiêu đầu tư xây dựng, địa điểm xây dựng và diện tích sử dụng đất, quy mô công suất và hình thức đầu tư xây dựng;
  • Khả năng bảo đảm các yếu tố để thực hiện dự án như sử dụng tài nguyên, lựa chọn công nghệ thiết bị, sử dụng lao động, hạ tầng kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, yêu cầu trong khai thác sử dụng, thời gian thực hiện, phương án giải phóng mặt bằng xây dựng, tái định cư (nếu có), giải pháp tổ chức quản lý thực hiện dự án, vận hành, sử dụng công trình và bảo vệ môi trường;
  • Đánh giá tác động của dự án liên quan đến việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư; bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái, an toàn trong xây dựng, phòng, chống cháy, nổ và các nội dung cần thiết khác;
  • Tổng mức đầu tư và huy động vốn, phân tích tài chính, rủi ro, chi phí khai thác sử dụng công trình, đánh giá hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án; kiến nghị cơ chế phối hợp, chính sách ưu đãi, hỗ trợ thực hiện dự án;
  • Các nội dung khác có liên quan.
3. Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng

Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng là tài liệu trình bày các nội dung về sự cần thiết, mức độ khả thi và hiệu quả của việc đầu tư xây dựng theo phương án thiết kế bản vẽ thi công xây dựng công trình quy mô nhỏ, làm cơ sở xem xét, quyết định đầu tư xây dựng.

Các dự án đầu tư xây dựng chỉ cần lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng:

  • Công trình xây dựng sử dụng cho mục đích tôn giáo;
  • Công trình xây dựng quy mô nhỏ và công trình khác do Chính phủ quy định.

Nội dung Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng:

  • Thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế công nghệ (nếu có) và dự toán xây dựng.
  • Các nội dung khác của Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng gồm thuyết minh về sự cần thiết đầu tư, mục tiêu xây dựng, địa điểm xây dựng, diện tích sử dụng đất, quy mô, công suất, cấp công trình, giải pháp thi công xây dựng, an toàn xây dựng, phương án giải phóng mặt bằng xây dựng và bảo vệ môi trường, bố trí kinh phí thực hiện, thời gian xây dựng, hiệu quả đầu tư xây dựng công trình.

>>> Video Các loại báo cáo khi lập dự án đầu tư xây dựng:

————–

[1]. Quốc hội (2014), Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/06/2014

[2]. Quốc hội (2020), Luật số 62/2020/QH14 ngày 17/06/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13

 

Cảm ơn các bạn đã theo dõi!

 

 Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời Quản lý dự án xây dựng chấm Nét một ly cà phê nhé! Buy me a coffee  
Bạn hãy chia sẻ nhé:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *