Lĩnh vực xây dựng có nhiều ngành nghề khác nhau để các kỹ sư làm việc gây dựng cho sự nghiệp của mình, ngoài những lĩnh vực mà mọi người thường hiểu như thiết kế, thi công xây dựng còn có nhiều lĩnh vực khác. Có nhiều bạn chưa biết đầy đủ và còn mơ màng, thấy mênh mang không biết chọn lĩnh vực xây dựng nào để làm việc sau khi ra trường hay muốn thay đổi sang lĩnh vực ngành nghề xây dựng khác để làm việc.
Mình đã nhận được các câu hỏi của các bạn như em là sinh viên ngành xây dựng vừa tốt nghiệp hay sắp tốt nghiệp nhưng chưa biết sẽ làm cái gì trong lĩnh vực xây dựng hay em ra trường được vài năm muốn chuyển sang làm trong lĩnh vực khác trong xây dựng nhưng không biết chuyển sang lĩnh vực nào…
Do đó mình viết bài này để góp phần làm sáng tỏ thêm cho các bạn đang quan tâm đến vấn đề này.
Trước hết ta tìm hiểu về một số phân loại dự án, công trình, các chuyên ngành trong xây dựng.
Phân loại dự án đầu tư xây dựng công trình (thông thường được phân loại dựa theo tổng mức đầu tư của dự án):
- Dự án quan trọng quốc gia;
- Dự án nhóm A;
- Dự án nhóm B;
- Dự án nhóm C.
Phân loại công trình xây dựng:
- Công trình dân dụng;
- Công trình công nghiệp;
- Công trình giao thông;
- Công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn;
- Công trình hạ tầng kỹ thuật.
Các chuyên ngành trong xây dựng:
- Kiến trúc sư;
- Kỹ sư xây dựng dân dụng và công nghiệp;
- Kỹ sư giao thông (kỹ sư cầu đường);
- Kỹ sư hạ tầng kỹ thuật;
- Kỹ sư kinh tế xây dựng;
- Kỹ sư công trình thủy;
- Kỹ sư công trình biển;
- Kỹ sư thủy lợi;
- Kỹ sư thủy điện;
- Kỹ sư quản lý dự án xây dựng (gần đây nước ta mới đào tạo chuyên ngành này);
- Kỹ sư điện (thuộc bộ phận M&E – Cơ điện);
- Kỹ sư nước (khoa môi trường nước, thuộc bộ phận M&E – Cơ điện);
- Kỹ sư điều hòa thông gió (khoa môi trường khí, thuộc bộ phận M&E – Cơ điện);
- Kỹ sư khảo sát địa hình địa chất;
- Kỹ sư trắc đạc;
- Kỹ sư vật liệu xây dựng;
- Kỹ sư máy xây dựng;
- Kỹ sư an toàn lao động.
Các lĩnh vực ngành nghề hoạt động xây dựng chính:
- Lĩnh vực thi công xây dựng (làm trong các nhà thầu);
- Lĩnh vực thiết kế xây dựng (gồm cả công tác thiết kế và quản lý thiết kế);
- Lĩnh vực khảo sát xây dựng;
- Lĩnh vực định giá xây dựng (QS, bóc tách khối lượng, dự toán, tổng mức đầu tư, hồ sơ, thanh quyết toán);
- Lĩnh vực tư vấn giám sát;
- Lĩnh vực quản lý dự án (làm cho chủ đầu tư hay các đơn vị tư vấn quản lý dự án);
- Lĩnh vực an toàn lao động và vệ sinh môi trường;
- Lĩnh vực thí nghiệm xây dựng;
- Lĩnh vực kiểm toán xây dựng cơ bản (đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước);
- Kỹ sư bán hàng kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng.
Mối quan hệ giữa các phần trên như sau:
Một dự án có tổ hợp nhiều loại công trình khác nhau, ví dụ một dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới có các công trình dân dụng, công trình giao thông đường bộ, công trình hạ tầng kỹ thuật.
Để thực hiện một dự án, một công trình thì cần có tổ hợp các loại kỹ sư khác nhau, ví dụ xây dựng một dự án gồm nhiều nhà cao tầng thì cần có các kỹ sư xây dựng dân dụng, kỹ sư quản lý dự án, kiến trúc sư, kỹ sư kinh tế xây dựng, kỹ sư giao thông đường bộ, kỹ sư điện, kỹ sư nước, kỹ sư điều hòa thông gió, kỹ sư khảo sát địa hình địa chất, kỹ sư trắc đạc, kỹ sư vật liệu xây dựng, kỹ sư an toàn lao động, kỹ sư/cử nhân thí nghiệm vật liệu.
Bây giờ ta bàn đến cách chọn lĩnh vực ngành nghề hoạt động xây dựng để làm việc gây dựng sự nghiệp của các kỹ sư trong lĩnh vực xây dựng:
Với mỗi loại kỹ sư khác nhau, chúng ta có thể chọn các lĩnh vực ngành nghề xây dựng để xây dựng sự nghiệp của mình tùy theo sở thích, cơ hội, điều kiện… của từng người. Ví dụ bạn là kỹ sư xây dựng dân dụng và công nghiệp, bạn có thể làm:
+ Lĩnh vực thi công xây dựng trong các nhà thầu thi công;
+ Lĩnh vực thiết kế xây dựng trong các nhà thầu tư vấn thiết kế xây dựng hay quản lý thiết kế cho các chủ đầu tư;
+ Lĩnh vực định giá xây dựng như bóc tách khối lượng, dự toán, tổng mức đầu tư và hồ sơ, thanh quyết toán;
+ Lĩnh vực tư vấn giám sát trong các đơn vị tư vấn giám sát;
+ Lĩnh vực quản lý dự án, làm cho chủ đầu tư hay các đơn vị tư vấn quản lý dự án.
Với mỗi kỹ sư để chọn cho mình một trong các lĩnh vực trên thì phải dựa theo sở thích, trải nghiệm, điều kiện, thời cơ… và cuối cùng bằng cách nào đó các kỹ sư sẽ làm trong một lĩnh vực xây dựng chủ đạo (có thể ban đầu không thích) nên người ta gọi là duyên nghiệp hay nghề nghiệp là vậy.
* Sở thích:
Ví dụ, có bạn yêu thích lĩnh vực thiết kế xây dựng nên đăng ký thi tuyển vào các trường về xây dựng, có bạn trong quá trình học trong các trường về xây dựng thấy yêu thích lĩnh vực thiết kế cho nên khi tốt nghiệp họ sẽ thẳng tiến làm về lĩnh vực thiết kế xây dựng.
* Trải nghiệm:
Các bạn sinh viên trong quá trình thực tập tại các công ty xây dựng, qua trải nghiệm thực tập họ xác định được lĩnh vực hoạt động sau khi ra trường.
Có trường hợp ban đầu yêu thích nhưng khi ra trường làm một lĩnh vực một thời gian thấy không phù hợp, không còn yêu thích nữa nên chuyển sang lĩnh vực khác.
* Điều kiện:
Có trường hợp có người thân là ông bà, cha mẹ, anh em ruột… hay các mối quan hệ thân quen, những người thân hay các mối quan hệ này có cơ sở công việc tốt trước rồi như là chủ đầu tư của các dự án thì bạn đó sẽ về những nơi này làm việc sau khi ra trường hay sẽ chuyển công tác về những nơi này nếu thấy tốt hơn.
* Thời cơ:
Khi mới ra trường họ làm tại một công ty và được giao việc làm một lĩnh vực xây dựng như là hồ sơ, thanh quyết toán, thi công xây dựng… thì họ cứ làm, qua thời gian họ tĩnh lũy được kinh nghiệm, thương hiệu, rồi họ sẽ phát triển làm lâu dài về lĩnh vực này.
Có trường hợp, dự án đang khuyết một người làm thiết kế nên bạn được trám vào làm việc đó, rồi cứ thế bạn làm qua thời gian nhất định thì sẽ thành nghề nghiệp của bạn.
Theo mình quan trọng nhất để chọn được lĩnh vực hoạt động xây dựng của bạn là dựa trên sở thích và trải nghiệm của bạn.
Chúc các bạn tìm được lĩnh vực ngành nghề xây dựng phù hợp và thành công trong sự nghiệp !
>>> Video Cách chọn các ngành nghề xây dựng để làm việc của các kỹ sư xây dựng:
Cảm ơn các bạn đã theo dõi!
Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời Quản lý dự án xây dựng chấm Nét một ly cà phê nhé!

Bài viết rất hay và giúp em có cái nhìn rộng hơn về các ngành nghề xây dựng, định hướng chọn nghề cho một sinh viên ngành xây dựng sắp ra trường như e. Cảm ơn tác giả nhiều!
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viêt!