Bài này mình sẽ chia sẻ với các bạn về công tác quản lý máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trong thi công xây dựng đứng dưới góc độ của ban quản lý dự án.
Khái niệm
Máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động là máy, thiết bị, vật tư, chất trong điều kiện lưu giữ, vận chuyển, bảo quản, sử dụng hợp lý, đúng mục đích và đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất nhưng trong quá trình lao động, sản xuất vẫn tiềm ẩn khả năng xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người.
Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động
Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động được quy định trong Thông tư 36/2019/TT-BLĐTBXH [1], ban quản lý dự án cần chú ý đến các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động được sử dụng trong thi công xây dựng công trình như sau:
- Cần trục;
- Máy vận thăng sử dụng trong thi công xây dựng;
- Thang máy các loại;
- Thang cuốn, băng tải chở người;
- Máy biến áp;
- Máy phát điện;
- Hệ thống cốp pha trượt;
- Máy khoan, máy ép cọc, đóng cọc;
- Hệ thống bơm bê tông độc lập;
- Hệ giàn giáo, đà giáo, cột chống chịu lực;
- Sàn treo nâng người sử dụng trong thi công xây dựng;
- Chất chữa cháy – Bột chữa cháy;
- Chất chữa cháy – Chất tạo bọt chữa cháy;
- Hệ thống phòng cháy chữa cháy – hệ thống sprinkler tự động;
- Phương tiện phòng cháy vá chữa cháy cho nhà và công trình;
- Hệ thống chữa cháy bằng khí;
- Bình chữa cháy xách tay.
Trong đó, ta đặc biệt chú ý đến các loại sau trong giai đoạn thi công xây dựng công trình:
- Cần trục tháp;
- Máy vận thăng;
- Sàn treo nâng người sử dụng trong thi công xây dựng (còn được gọi là Gondola);
- Máy khoan, máy ép cọc, máy đóng cọc.
Vì chúng là các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động nên cần phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng và kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng bởi tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, theo Khoản 1 Điều 31 Luật an toàn vệ sinh lao động [2]. Tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động là đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp cung ứng dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.
Sau khi kiểm định, các tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động phải dán tem kiểm định hoặc thể hiện thông tin kiểm định lên đối tượng kiểm định đạt yêu cầu ở vị trí dễ thấy, dễ đọc. Tem kiểm định có thể được phóng to hoặc thu nhỏ phù hợp với kích thước của đối tượng kiểm định nhưng phải đảm bảo các thông số ghi trên tem nhận biết được bằng mắt thường đảm bảo không bị mờ và bong trong quá trình sử dụng (theo Điều 12 Thông tư 16/2017/TT-BLĐTBXH [3]).
Công tác kiểm định kỹ thuật an toàn máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động trong thi công xây dựng của ban quản lý dự án
Ta đi vào công tác kiểm định kỹ thuật an toàn máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động sử dụng trong thi công xây dựng của ban quản lý dự án, cụ thể là kiểm định kỹ thuật an toàn cần trục tháp; máy vận thăng; sàn treo nâng người sử dụng trong thi công xây dựng (còn được gọi là Gondola); máy khoan, máy ép cọc, máy đóng cọc.
Các thuật ngữ
Cần trục tháp: là loại cần trục có cần lắp với phần đỉnh tháp cố định hay di chuyển.
Vận thăng sử dụng trong thi công xây dựng:
Bao gồm:
– Vận thăng chở hàng có người đi kèm: là thiết bị nâng chuyên dùng để vận chuyển người và hàng hóa theo phương thẳng đứng tại các công trường, cấu tạo gồm có cabin (lồng nâng) di chuyển theo dẫn hướng thẳng đứng là thân tháp qua bộ truyền bánh răng – thanh răng (có thể có hoặc không có đối trọng).
– Vận thăng chở hàng không có người đi kèm: là thiết bị dùng để nâng, di chuyển và hạ hàng theo phương thẳng đứng hoặc phương lệch với phương thẳng đứng một góc tối đa 15°.
Sàn treo nâng người sử dụng trong thi công xây dựng (Gondola): là một hệ thống kết cấu bao gồm sàn công tác, kết cấu dằm treo, cụm máy tời nâng, đối trọng, cáp thép và các cơ cấu, bộ phận an toàn khác nhằm tạo ra vị trí làm việc cho người và dụng cụ khi làm việc ở trên cao trong thi công xây dựng. Thiết bị này thường được hiểu với tên gọi là “Gondola”.
Máy khoan sử dụng trong thi công xây dựng (sau đây gọi tắt là máy khoan): là máy chuyên dụng hoặc bán chuyên dụng được thiết kế cho một hoặc nhiều công dụng sau:
– Khoan lỗ có đường kính nhỏ để lấy mẫu nghiên cứu đất, đá hoặc để lắp ống hoặc để tiến hành kiểm tra tại chỗ;
– Khoan tạo các lỗ tròn trong nền đất phục vụ thi công cọc trong đất hoặc thi công cọc nhồi;
– Đào đất tạo các lỗ hình hộp chữ nhật trong nền đất phục vụ thi công tường trong đất.
Máy đóng cọc sử dụng trong thi công xây dựng (sau đây gọi tắt là đóng cọc): là máy chuyên dụng hoặc bán chuyên dụng được thiết kế để đóng cọc vào trong nền đất bằng các loại búa rơi, búa hơi, búa Diesel, búa thủy lực và búa rung có dẫn hướng hoặc không có dẫn hướng.
Máy ép cọc thủy lực sử dụng trong thi công xây dựng:
Bao gồm:
– Máy ép cọc thủy lực là máy hạ cọc vào trong lòng đất bằng lực thủy tĩnh tác dụng lên đỉnh cọc hoặc lên thân cọc nhờ các xi lanh thủy lực ép cọc.
– Máy ép đỉnh (còn gọi là máy ép chặn) là loại máy ép tải thủy lực có lực ép hoặc tổng hợp lực ép đặt lên đỉnh cọc.
– Máy ép ôm – máy ép Rô bốt là loại máy ép tải thủy lực có lực ép đặt lên các mặt bên của cọc ép nhờ lực ma sát giữa các bề mặt của cọc đang ép và các chấu ôm. Máy ép ôm loại tự di chuyển trên mặt bằng công trình bằng các chân bước còn được gọi là máy ép rô bốt (trong quy trình này máy ép ôm và máy ép rô bốt có nghĩa như nhau.
Kiểm định kỹ thuật an toàn lần đầu: là hoạt động đánh giá tình trạng kỹ thuật an toàn của thiết bị theo các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn sau khi lắp đặt và trước khi đưa vào sử dụng lần đầu.
Kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ: là hoạt động đánh giá tình trạng kỹ thuật an toàn của thiết bị theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn khi hết thời hạn của lần kiểm định trước.
Kiểm định kỹ thuật an toàn bất thường:
Là hoạt động đánh giá tình trạng kỹ thuật an toàn thiết bị theo các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn đối với các trường hợp:
– Sau khi sửa chữa, nâng cấp, cải tạo có ảnh hưởng tới tình trạng kỹ thuật an toàn của thiết bị;
– Sau khi tháo rời chuyển đến vị trí lắp đặt mới;
– Khi có yêu cầu của cơ sở sử dụng hoặc cơ quan có thẩm quyền.
Các bước kiểm định các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động sử dụng trong thi công xây dựng
Theo Thông tư 29/2016/TT-BXD [4] và Thông tư 09/2018/TT-BXD [5], khi kiểm định kỹ thuật an toàn phải tiến hành lần lượt theo các bước sau:
– Kiểm tra hồ sơ, lý lịch thiết bị;
– Kiểm tra kỹ thuật bên ngoài;
– Kiểm tra kỹ thuật – Thử không tải;
– Các chế độ thử tải – Phương pháp thử;
– Xử lý kết quả kiểm định.
Các bước kiểm tra tiếp theo chỉ được tiến hành khi kết quả kiểm tra ở bước trước đó đạt yêu cầu.
Đứng dưới góc độ ban quản lý dự án, chúng ta chỉ cần kiểm tra nghiệm thu nội dung của bước Xử lý kết quả kiểm định, cụ thể cần kiểm tra nghiệm thu các nội dung như sau:
- Biên bản kiểm định.
- Ghi tóm tắt kết quả kiểm định vào lý lịch của thiết bị (ghi rõ họ tên kiểm định viên, ngày tháng năm kiểm định).
- Dán tem kiểm định: Khi kết quả kiểm định thiết bị đạt yêu cầu kỹ thuật an toàn, kiểm định viên dán tem kiểm định cho thiết bị. Tem kiểm định được dán ở vị trí dễ quan sát.
- Cấp giấy Chứng nhận kết quả kiểm định: khi thiết bị có kết quả kiểm định đạt yêu cầu kỹ thuật an toàn, tổ chức kiểm định cấp giấy chứng nhận kết quả kiểm định cho thiết bị trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thông qua biên bản kiểm định tại cơ sở.
Trong đó phải có được 02 nội dung quan trọng nhất là dán tem kiểm định và chứng nhận kết quả kiểm định của các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động sử dụng trong thi công xây dựng, để chứng minh chất lượng và phục vụ cho các công tác thanh kiểm tra của các bên liên quan sau này.
Thời hạn kiểm định các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động sử dụng trong thi công xây dựng
Cần trục tháp:
Thời hạn kiểm định định kỳ các loại cần trục tháp sử dụng trong thi công xây dựng là 01 năm.
Đối với cần trục tháp có thời gian chế tạo đến thời điểm kiểm định quá 12 năm thì thời hạn kiểm định định kỳ là 06 tháng.
Vận thăng:
Thời hạn kiểm định định kỳ vận thăng sử dụng trong thi công xây dựng là 01 năm.
Đối với vận thăng có thời gian chế tạo đến thời điểm kiểm định quá 12 năm thì thời hạn kiểm định định kỳ là 06 tháng.
Sàn treo nâng người (Gondola):
Thời hạn kiểm định định kỳ sàn treo nâng người sử dụng trong thi công xây dựng là 01 năm.
Đối với sàn nâng người đã sử dụng trên 10 năm, thời hạn kiểm định định kỳ là 06 tháng
Máy khoan và máy đóng cọc:
Thời hạn kiểm định định kỳ các loại máy khoan và máy đóng cọc là 02 (hai) năm.
Đối với máy khoan và máy đóng cọc đã sử dụng trên 10 (mười) năm, thời hạn kiểm định định kỳ là 01 (một) năm.
Máy ép cọc thủy lực:
Thời hạn kiểm định đối với máy ép cọc thủy lực là 02 (hai) năm.
Đối với máy ép cọc thủy lực đã sử dụng trên 10 (mười) năm, thời hạn kiểm định định kỳ là 01 (một) năm.
Tổng kết
Trên đây mình đã chia sẻ những kiến thức cần thiết cho công việc của các cán bộ ban quản lý dự án về công tác quản lý máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng, bao gồm các khái niệm; danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; các bước kiểm định các loại này; và thời hạn kiểm định chúng.
Trong đó kết quả kiểm định quan trọng nhất là tem kiểm định và chứng nhận kết quả kiểm định của các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động sử dụng trong thi công xây dựng.
————–
[1]. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (2019), Thông tư 36/2019/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2019 về ban hành danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động
[2]. Quốc hội (2015), Luật an toàn vệ sinh lao động ngày 25/06/2015
[3]. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (2017), Thông tư 16/2017/TT-BLĐTBXH ngày 08/06/2017 về quy định chi tiết một số nội dung về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động
[4]. Bộ xây dựng (2016), Thông tư 29/2016/TT-BXD ngày 29/12/2016 về ban hành quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn đối với cần trục tháp, máy vận thăng và sàn treo nâng người sử dụng trong thi công xây dựng
[5]. Bộ xây dựng (2018), Thông tư 09/2018/TT-BXD ngày 15/11/2018 về ban hành quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy khoan, máy ép cọc, đóng cọc sử dụng trong thi công xây dựng
Cảm ơn các bạn đã theo dõi!
Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời Quản lý dự án xây dựng chấm Nét một ly cà phê nhé!
