Khái niệm quản lý dự án đầu tư xây dựng
Có nhiều khái niệm khác nhau về quản lý dự án (QLDA):
QLDA là lập kế hoạch tổng thể, điều phối và kiểm soát một dự án từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc, nhằm đảm bảo sự hoàn thành đúng thời hạn trong phạm vi ngân sách và các yêu cầu kỹ thuật đã được xác định trước cũng như cách thức và chất lượng thực hiện [1].
QLDA là điều khiển một kế hoạch đã được hoạch định trước và những phát sinh xảy ra, trong một hệ thống bị ràng buộc bởi các yêu cầu về pháp luật, về tổ chức, về con người, về tài nguyên nhằm đạt được các mục tiêu đã định ra về chất lượng, thời gian, giá thành, an toàn lao động và môi trường [2].
QLDA là quá trình lập kế hoạch, điều phối thời gian, nguồn lực và giám sát quá trình phát triển của dự án nhằm đảm bảo cho dự án hoàn thành đúng thời hạn, trong phạm vi ngân sách được duyệt và đạt được các yêu cầu đã định về kỹ thuật và chất lượng sản phẩm dịch vụ bằng những phương pháp và điều kiện tốt nhất cho phép [3].
QLDA bao gồm ba giai đoạn chủ yếu là việc lập kế hoạch, điều phối thực hiện và thực hiện giám sát các công việc dự án nhằm đạt được những mục tiêu xác định.
Lập kế hoạch là giai đoạn xây dựng mục tiêu, xác định công việc, dự tính nguồn lực cần thiết để thực hiện dự án và là quá trình phát triển một kế hoạch hành động thống nhất, theo trình tự logic, có thể biểu hiện dưới dạng các sơ đồ hệ thống hoặc theo các phương pháp lập kế hoạch truyền thống.
Điều phối thực hiện dự án là quá trình phân phối nguồn lực bao gồm tiền vốn, lao động, thiết bị và đặc biệt quan trọng là điều phối và quản lý tiến độ thời gian. Giai đoạn này chi tiết hóa thời gian, lập trình lịch cho từng công việc và toàn bộ dự án (khi nào bắt đầu, khi nào kết thúc), trên cơ sở đó, bố trí tiền vốn, nhân lực và thiết bị phù hợp.
Giám sát là quá trình theo dõi kiểm tra tiến trình dự án, phân tích tình hình thực hiện, báo cáo hiện trạng và đề xuất biện pháp giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cùng với hoạt động giám sát, công tác đánh giá dự án giữa kỳ và cuối kỳ cũng được thực hiện nhằm tổng kết rút kinh nghiệm, kiến nghị các pha sau của dự án.
Các giai đoạn của quá trình QLDA hình thành một chu trình từ việc lập kế hoạch đến điều phối thực hiện và giám sát, sau đó phản hồi cho việc tái lập kế hoạch dự án như trình bày trong hình sau:

Như vậy mặc dù có nhiều định nghĩa khác nhau về QLDA nhưng muốn QLDA được thì đều cần có các yếu tố chung là có một chương trình, một kế hoạch đã được định trước; có các công cụ, các phương tiện để kiểm soát và quản lý; có các quy định về pháp luật cho quản lý; và các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực để vận hành bộ máy quản lý.
Mục tiêu của quản lý dự án đầu tư xây dựng
Mục tiêu của quản lý dự án đầu tư xây dựng (DAĐTXD) công trình là bảo đảm đạt được mục đích đầu tư, tức là lợi ích mong muốn của chủ đầu tư. Trong mỗi giai đoạn của quá trình đầu tư xây dựng công trình (XDCT), QLDA nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể khác nhau.
Các mục tiêu của chủ đầu tư khi quản lý DAĐTXD công trình bao gồm:
- Dự án được thực hiện theo đúng yêu cầu kỹ thuật và chất lượng;
- Dự án hoàn thành trong thời hạn cho phép;
- Dự án hoàn thành trong ngân sách được phê duyệt;
- Dự án đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường;
- Đạt được các mục tiêu về quản lý rủi ro.
Mục tiêu của QLDA phát triển từ ba mục tiêu ban đầu (tam giác mục tiêu – 3D) đến tứ giác mục tiêu (4D) và ngũ giác mục tiêu (5D), được mô tả trong hình bên dưới. Tùy từng dự án mà xác định mục tiêu nào quan trọng hơn.
Mặc dù các nhà QLDA đều mong muốn đạt được một cách tốt nhất tất cả các mục tiêu đặt ra nhưng thường không làm được như vậy, thực tế là phải đánh đổi các mục tiêu, hy sinh mục tiêu này để thực hiện tốt hơn các mục tiêu khác trong điều kiện thời gian và không gian cho phép nhằm thực hiện tốt nhất tất cả các mục tiêu dài hạn của quá trình QLDA. Điển hình là việc đánh đổi giữa các mục tiêu tam giác về chất lượng, thời gian và chi phí thực hiện dự án.
>>> Video Khái niệm và mục tiêu của quản lý dự án đầu tư xây dựng:
——————
[1]. Nguyễn Văn Đáng (2005), Quản lý dự án xây dựng, NXB Tổng hợp Đồng Nai
[2]. Trịnh Quốc Thắng (2013), Quản lý DAĐTXD, NXB Xây dựng
[3]. Từ Quang Phương (2005), Giáo trình Quản lý dự án đầu tư, NXB Lao động – Xã hội
[4]. Nguyễn Thế Quân (2016), Bài giảng môn học Quản lý dự án nâng cao, Đại học Xây dựng, Hà Nội
Cảm ơn các bạn đã theo dõi!
Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời Quản lý dự án xây dựng chấm Nét một ly cà phê nhé!
